DamSan Group
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DCC Cung Giũ Nguyên

Go down

DCC Cung Giũ Nguyên Empty DCC Cung Giũ Nguyên

Bài gửi  Admin Wed Jan 16, 2008 8:37 pm

GỬI MỘT BẠN TRẺ MUỐN SỐNG NHƯ TRÁNG SINH HƯỚNG ĐẠO BỐN PHƯƠNG

DCC Cung Giũ Nguyên
-
Đà Lạt, 24, 25, 26/5/1999

Nếu anh đã quyết tâm, theo ý nguyện riêng, chẳng phải vì ai xui dục, mua chuộc, hay bắt buộc, từ đây sống như một Tráng Sinh Hướng Đạo Bốn Phương (B.P.), anh phải xa lánh khá nhiều điều, như một Kitô hữu bỏ tất cả đề theo tiếng gọi cứu rỗi. Có thứ anh cũng như nhiều người nghĩ là không có không được, vì xã hội ngày nay có những trò quỷ quyệt khiến cho ta dễ lầm thực với hư, đúng với sai, ích lợi và vô ích, hào nhoáng và thực chất, tương đối với tuyệt đối, Thượng Đế với Ma Quỷ. Chẳng khác gì một tín hữu chân chính của Kitô, anh sẽ lãnh nhận và mang nơi mình dấu hiệu “mâu thuẫn”. Anh cố gắng không sống theo lối sống của phần đông những người trong thế gian, bởi vì anh không phải là của thế gian, thứ thế gian như anh được thấy và phải chung đụng. Những sách gối đầu của người Kitô hữu đã nói đến điều này cho những ai biết đọc hay biết nghe.
1 - Phong trào Hướng Đạo tìm nơi anh những thị hiếu, thấy nơi anh những nét hấp dẫn mà anh, xuyên qua những khuynh hướng của thế hệ anh, dựa nơi điều gì anh yêu thích biến thành sự năng động của anh. Phong trào Hướng Đạo ao ước đưa những người trẻ và có thiện chí như anh sống một đời cao đẹp hơn anh hiện có, hay nói một cách khác, đem đến cho anh một chút hạnh phúc nào đó, mà anh thường nghĩ chỉ có được khi có tiền của, có danh vọng mà thế gian với bao nhiêu phủ phàng có thể đem lại cho anh. Người Tráng Sinh thuộc một phong trào mà khi nhắc đến tên, người ta thường nghỉ đến những giòng chữ, đúng hơn là những lý tưởng, như nghị lực, can đảm, ý chí, trung hậu, đơn giản, vui tươi, (tình) huynh đệ, (tình) thân hữu, tận tâm, giúp ích, thanh khiết, khiêm nhường. Chúng ta biết những đức tánh cao quý ấy mà đời thường xem nhẹ, xem như là những sáo ngữ chẳng làm ra lợi lộc gì, những đức tính ấy không phải là thứ tự nhiên, thứ đương nhiên, mà ai ai cũng có cũng dễ có cũng chẳng phải là những thứ mà ai ai cũng ưa chuộng, và tôn trọng. Cái nghịch đời của Tráng Sinh Hướng Đạo đã bắt đầu từ đó.
* Hướng Đạo Sinh phải gắn bó với tất cả những gì có thể tiếp nhận, nhưng yếu tính của phong trào không phải khuyến khích các trẻ cũng “sủa với chó", “tru với heo” hay “hùa với BandarLog”, mà ngược lại - và dấu mâu thuẫn là nơi đây - khuyên Hướng đạo sinh phải quay lưng với cái tầm thường, với cái hèn hạ, phải cố gắng, chính trong thế giới nầy của chúng ta, bảo vệ và thăng tiến một số giá trị căn bản của con người, để xây dựng cho kỳ được hạnh phúc mong muốn.
* Có thể nói, và điều nầy sẽ được đôi người hấp tấp cho là đúng theo nghĩa chính trị và bè phái của họ, phong trào Hướng Đạo là một lực “phản động” (réactionnaire), những từ phản động phải được hiểu theo nghĩa tốt nhất của nó, như phản ứng, phản lực. Hướng Đạo đi ngược thiên hạ, trèo lên những dốc hơn là để cho tụt xuống, tụt xuống vì trọng lượng của bản thân, tụt xuống vì có người xô đẩy, hay tụt xuống vì thấy đa số làm như vậy, hay tụt xuống vì nghĩ là có thể kiếm chác gì dưới đó.
* Tráng Sinh Hướng Đạo muốn có một lối sống tự nhiên, nghịch với lối sống giả tạo, phù phiếm, chú trọng đến bao bì, vỏ bọc, đủ màu sắc, loè loẹt, phĩnh phờ, có vẻ sang trọng nhưng kỳ thật chẳng phải thế. Tráng Sinh vui vẽ sống trong một cảnh với ít nhiều khắc khổ , sống thảnh thơi nhưng năng động, khác hẵn với lối sống thụ động, đợi chờ, an phận, thường được lầm với thái độ ngoan đạo, biết điều, kỷ luật hay cho đó là lối sống phong lưu, trưởng giả. Người Tráng Sinh Hướng Đạo thường sống trong, và cho, những cộng đồng có cơ cấu vững chắc,có tình thương làm thứ sơn keo kết hợp, khác hẵn với những thứ đoàn thể , tập thể đông đảo, ồn ào, nhưng không có linh hồn, Tráng Sinh sống cho công ích không phải cho tư lợi, sống không phải cho cá nhân ích kỷ, mà sống cho nhân vị hoàn chỉnh, vị tha.
* Anh hãy tưởng tượng, nếu sau nầy, với vài ba mươi năm tuổi nữa, anh có thể nhớ lại thời thanh xuân của anh bây giờ,... anh có phải hối tiếc không, là đã phí mất thì giờ nô đùa với những người bị gậy phải gọi là anh em, hay anh sẽ xem đó là những năm đẹp nhất mà anh đã cứu vớt được trong một cuộc đời dài, đầy nhiều vô vị, tầm thường, có khi có thể là nhu nhược và hèn ha; anh đã sống được, nếu không muốn nói năm, thì sống được, nhiều ngày vui sướng trong các cách ngây thơ, sống ngoài trời, gần gủi với thiên nhiên, với những người bạn chân tình và thâm tình, đã chia xẻ với nhau ngọt bùi, như thể anh em ruột thiït, những ngày mà mình thích cố gắng mà chằng tiếc công, vượt lên những khó khăn, nhỏ lớn, xem đấy là những thử thách của một trò chơi không ngừng mà phần thưởng duy nhất là vui sướng và sự tự hào đã làm được những điều như thế. Tráng Sinh có lối sống lịch sự nhã nhân, vì kín đáo chẳng cần khoe khoang với ai về những gì mình làm được, chẳng cần phải lên tiếng cao rao, vì biết không phải chỉ có ta trên đời nầy, mới làm tròn nghề nghiệp làm người của mình , có đôi chút thành công, nghĩa là đôi chút hạnh phúc.
* Tráng Sinh là người ra khỏi nhà, không phải để đi phiêu lưu đến đâu thì đến, tùy theo cám dỗ và rơi xuống bùn lầy, hay lạc lối trở lại vạn lần từ chốn đã khởi hành. Tráng Sinh ra khỏi nhà là đã quên mình, để có thể đi về phía “mà Chúa sẽ chỉ cho” Tráng Sinh không đặt “cái ta” ra trước mình để chỉ còn thấy bóng của chính mình, không còn thấy con đường sáng, không còn thấy ai nữa, nhất là chẳng thấy con đường mình phải đi, đúng phương hướng, về phía ánh sáng mình muốn có để soi sáng mình, về phía đích, phải là đích ưu việt, mà, với sư soi sáng của Chúa, mình đã ý thức và mơ ước đến. Tráng Sinh không nhắm mắt đi liều, hay theo lời quyến rủ của những tiên tri giả, chó sói đội lốt cừu. để phải rơi vào hố bùn lầy, để rồi phải chuốc lấy một vạn ăn năn và hối tiếc.
* Tráng Sinh, lúc đầu có thể cùng với một bảo huynh, trong những lúc đầu Tráng Sinh đang còn ngở ngàng, xem chưa được đúng la bàn hay địa đồ, nhưng rồi, Tráng Sinh chấp nhận thân phận của mình, của con người, thân phận cô đơn và độc đáo của một con người, và đi một mình trên con đường mình phải đi.
* Đi để có kinh nghiệm về đời, kinh nghiệm về thế giới vật lý, cái cứng rắn của đá sỏi làm đau chân trần, sự phĩnh gạt của những đầm lầy, hay nhân từ của tàn cây lớn che người lữ hành khỏi ánh nắng giữa trưa hay thấm ướt của trận mưa rào, kinh nghiệm về thế giới cảm giác, những nhìn sai lầm vì ảo ảnh hay vì chính dốt nát của mình, kinh nghiệm về thế giới con người, thế giơi của lắm hạng người, gặp trên đường đi, xấu có, tốt có; kinh nghiệm về chính mình, trước những khó khăn, thử thách, ước lượng tài sức của mình, trên những dặm đường...
* Khởi hành, lên đường, để làm gì? Để tìm được chủ yếu của đời, là để cho cái ta chết đi - có chết mới sống lại dược. Con người cũ kỷ, con người hôm qua, trước khi Tráng Sinh tuyên lại lời hứa phải mất đi, để dành chỗ con người bên trong, con người bên trong trung thực và đích thực sẽ sống và lớn lên, mỗi ngày cao hơn, vững mạnh hơn, nhờ sự hướng dẫn của lương tâm trong sạch, nhờ sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của những thầy, bạn, thân thuộc, thành thật và trong tinh thần vô vụ lợi, luôn luôn cầu mong và giúp đỡ mình thành công, nghĩa là có được hạnh phúc.


Được sửa bởi ngày Wed Jan 16, 2008 8:46 pm; sửa lần 1.
Admin
Admin
Xóm trưởng

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 12/01/2008

http://DamSanGroup.forumotion.com

Về Đầu Trang Go down

DCC Cung Giũ Nguyên Empty DCC Cung Giũ Nguyên

Bài gửi  Admin Wed Jan 16, 2008 8:45 pm

GỬI MỘT BẠN TRẺ MUỐN SỐNG NHƯ TRÁNG SINH HƯỚNG ĐẠO BỐN PHƯƠNG (tiếp theo)

DCC Cung Giũ Nguyên


* Luật Hướng Đạo là phương tiện giúp Tráng Sinh Hướng Đạo nhớ hằng ngày những ràng buộc của mình. Luật ấy không còn là thứ áp đặt, Tráng Sinh được tự do chấp nhận hay không. Khi xin vào đoàn, Tráng Sinh đã chấp nhận ba nguyên tắc chủ yếu :
Trời cũng là bạn của mình
Những người khác là anh em mình
Mình đáng được mọi người tin cậy.
Rồi Tráng Sinh sẽ khám phá ra luật Hướng Đạo như là của mình, như là một kiểu sống đáng có, một thứ cần thiết. Những người đi trước đã có chương trình tu thân, có những dự định lớn của họ, anh, một người muốn trở nên Tráng Sinh như họ, lại phải khởi đầu từ số không, hoạch định chương trình cùa chính anh, lập những dự định lớn của chính anh, với những phương tiện của anh, một Tráng Sinh.
* Khi anh sinh hoạt cùng với nhóm, toán, hay đoàn, anh sẽ tìm ra thêm những luật của trò chơi. Ví dụ để thực hiện một công trình chung, sự có mặt đúng giờ tại chỗ là cần thiết. Những dụng cụ đem ra dùng phải được giữ gìn, đừng để cho hư hỏng, vì hư hỏng, công việc sẽ không thành. Đừng bỏ dở công việc vì một cớ tuế toái nào đó, đóng một cái đinh không sát là một lỗi lầm lớn. Luật không nói đến những ràng buộc. Một máy điện là quan trọng, một chút dây chì có nghĩa lý gì đối với máy điện. Nhưng một khúc dây chì cũng làm cho ta có hay không có điện. Những người lãng mạn hay những anh hùng rơm chỉ muốn làm những việc cứu thế mà không hạ mình làm những việc ích tuế toái. Tráng Sinh Hướng Đạo khiêm tốn hơn, lượng sức mình, và chú trọng đến việc ích lợi nhỏ. Người Tráng Sinh tìm tuyệt đối, (nói tìm không nói thay thế) trong tương đối, đặt danh dự mình trong công việc nhỏ nhặt, thường ngày. Bao nhiêu việc nhò bé ấy gồm lại mới làm thành công trình lớn. Người ta thường dạy, nói đến khoa học là khoa học của nhửng chi tiết. Nói về đạo lý, hay là về đời sống đạo đức và đẹp đẻ, cũng chỉ có trong những hành vi nhỏ nhặt, những chi tiết có thể không được thấy, nhưng cũng là thành phần cơ bản của một cuộc sống gọi là đạo lý hay tươi đẹp. Đừng khinh thường việc nhỏ, cũng như đừng với những mộng to tát mà chẳng bao giờ thực hiện được. Đừng lầm trò chơi Hướng Đạo là một trò chơi trong thực tại, với những xã hội không tưởng, mà trong đó những khẩu hiệu ma thuật đã thay thế vĩnh viển thực tại đáng được thực hiện.
* Tuỳ theo khả năng, tánh tình, tráng sinh, ngoài việc theo chánh đạo còn có thể tìm một người để bắt chước những tráng sĩ, anh hùng, danh nhân, người tốt. Thiếu gì người anh có thể khâm phục và dùng làm gương mẫu, để xây dựng cuộc đời của mình một cách tương tự, và không bao giờ ngã lòng vì biết chắc người mình muốn nối gót đã không thất bại - không nói thất bại ở trần thế mà thất bại dưới con mắt của Thượng Đế. Như vậy anh đã tìm ra cách thăng hóa luật Hướng Đạo được vạch ra cho những người trẻ hơn anh. Khâm phục là khâm phục một nhân vị, hay ít ra là đề cao một hình thức đời sống, vượt lên việc gắn bó với một luật lệ. Chiêm ngưỡng một con người cao cả, đáng quý, về mặt nầy mặt khác là chấp nhận hướng thượng, là chấp nhận cố gắng sống khá hơn nữa, và cố gắng mãi sốt cuộc đời vì đường đề thăng tiến không cùng.
* Tráng Sinh Hướng Đạo có chương trình tu thân, nhưng Tráng Sinh không phải chi lo cho mình. Tu thân là việc cơ bản, đó là thực hiện cho đầy đủ nhân cách của mình, và từ đó mới có quyết tâm hướng về người khác, có tinh thần giúp ích cho bất cứ ai cần mình, và muốn thế phải lo bồi dưỡng kỹ năng, tài năng, để việc giúp ích của mình là điều có thật. Tráng Sinh Hướng Đạo là người ta tin tường, trước tiên là tin tưởng nơi lời nói, vì Tráng Sinh học sống theo lối người quân tử, hay đã tiếp nhận chân lý của “lời nhập thể”, sau đó người ta tin tưởng nơi Tráng Sinh về một điểm cụ thể, một phạm vi nhất định nào đo. Nếu Tráng Sinh là thợ mộc, thợ nề, người ta vững tâm khi nhờ hay thuê mướn anh ấy xây bức tường hay đóng bàn ghế. Nếu anh ấy làm nghề nào khác, tay chân hay trí óc, bất luận, người ta tin chắc, trong nghề nghiệp, anh ấy là người phải có, không những kỷ năng cần thiết, mà còn lương tâm nghề nghiệp cao, Vậy anh, hởi người bạn trẻ, muốn sống như tráng sinh, anh đã, hay sẽ, làm gì để qua nghề nghiệp, anh không những có phương kế sinh nhai, nà có cơ hội giúp đời một cách thiết thực ? Hay anh chỉ là người tu hành. Vậy mong cho anh tu cho chín, và giúp ích cho những người không may mắn như anh, quá nhiều tội lỗi, thấy đức hạnh của anh mà biết thẹn, hay nhờ nới đức hạnh của anh làm gương, mà biết được con đương ngay để đi. Điều quan trọng, là cái gì phải ra cái đó. Bánh mì là bánh mì. Không thể nói tôi là bánh mì khi tôi chỉ là một thứ bánh bột thổi phồng, có mùi chua, và ăn vào có thể bị ngộ độc.
* Đã là tráng sinh, anh không phải sinh hoạt một mình. Anh phải dựa vào một toán, một đoàn, thuộc một phong trào rộng lớn. Các Tráng Sinh là một “đám huynh để giúp ích”. Anh cũng có thể giúp ích xã hội một cách riêng rẻ, hay trong một đoàn thể, một nghiệp đoàn. Điều đó là hiễn nhiên. Nhưng nếu bạn trẻ muốn sống như tráng sinh, hay trờ nên tráng sinh, có thể là vì thấy thích hợp với tánh tình hay ý nghĩ cũa mình. Có lẽ anh bạn trẻ cũng cần nên tìm hiểu nguyên lý và mục tiêu của đoàn thể ấy trước khi xin gia nhập, để tránh khỏi thất vọng và hối hận về một chọn lựa hay quyết định thất lợi hay có phần tai hại.
* Bạn cũng phải nghĩ phong trào Hướng Đạo làm thành một xã hội đóng kín, và rồi cũng như những cá nhân “đóng cửa không ra khỏi nhà” sẽ mắc bệnh tự mãn, tự kiêu, xem mình là hơn người khác, chỉ có phong trào mình mới là thế nầy thế nọ, tôi van anh đừng nghĩ lầm như vậy. Tráng Sinh ra khỏi nhà là để đi đến với người khác, những người khác. Hướng Đạo là một đoàn thể mở cửa cho tất cả mọi trẻ, bất luận màu sắc, quốc tích, tôn giáo, miễn là những trẻ muốn gia nhập chấp nhận trọn vẹn những nguyên lý của Hướng Đạo Bốn Phương, tôi muốn nói Hướng Đạo B.P. theo người sáng lập. Việc hướng về những trẻ khác, là điều bâng khuâng của những Hướng Đạo Sinh, nhất là của những trưởng có trách nhiệm gìn giữ và khuếch trương phong trào. Có điều là phong trào Hướng đạo, nhiều sách vở cổ điển nhắc đi nhắc lại , không phải, và chẳng bao giờ trở thành một phong trào quần chúng, tuy vẫn tự xem có trách nhiệm về tất cả thế hệ tuổi trẻ gần xa. Vậy dưới mắt thế hệ trẻ, phong trào Hướng Đạo nói lên cái gì ?
* Câu hỏi Hướng Đạo đặt ra là gì ? Hướng Đạo bảo vệ và là chứng tá cho kiểu sống nào? Nói tóm lại, Hướng Đạo đưa dấu hiệu nào cho thế hệ trẻ? Nếu chức năng của một phong trào thanh niên là phát hiện ra và diễn tả những giá trị của thế hệ trẻ, đề nghị những trục để đi tới, những cố gắng nào, những huyền thoại nào, miễn là thứ huyền thoại không phải là thứ bịp bợm, giúp cho trẻ sống, củng cố và tăng cường những giá trị ấy, phong trào thanh niên đó sẽ đưa trước tiên cho trẻ một dấu hiệu mâu thuẩn như chúng ta đã nói lúc đầu.
Kiểu sống của phong trào phải được trẻ thích, gây thiện cảm, dù cho trẻ không gia nhập phong trào. Điều nầy, trên thực tế đã được nhận thấy, không thiếu gì người không vào Hướng Đạo, không cho con cháu gia nhập Hướng đạo, nhưng công khai nhìn nhận Hướng Đạo là tốt và có ích. Những ràng buộc của phong trào Hướng Đạo được hiểu rỏ ràng, dù cho người ta không theo những ràng buộc ấy. Đối với chúng ta, ở nơi nầy, ở thời buổi nầy, kiểu sống Hướng Đạo là gì ?
* Trước tiên là một lối sống trẻ. Điều đó thích hợp với phong tục của xã hội ta ngày nay. Thương mãi, công nghệ, luôn luôn hướng về trẻ. Từ ăn mặc, đến việc chải tóc, đến những giải trí, những nhà buôn bán kinh doanh hướng về đám khách hàng ấy, và còn lôi cuốn vì, hay nhờ quảng cáo, hay vì lây lan và bắt chước tất yếu, những thế hệ đã đứng tuổi cũng cố sửa lại năm sinh của mình bằng lối ăn mặc, nói năng, nhảy nhót cũng như các trẻ vậy. Phong trào Hướng Đạo, nếu không đành chịu lỗi thời phải là một phong trào trẻ, và có thế, đã đi đúng hướng, hay trở lại với ý nghỉ ban đầu của người sáng lập. Thật là lỗi điệu, đối với xã hội và thế giới ngày nay, mà chúng ta chỉ có những Tráng Sinh râu, nhưng người đã có nghề nghiệp vợ con, hay đã là hưu trí, có khi có cả cháu chắt, mà quá “Hướng Đạo” trong tâm hồn, cũng còn muốn kiếm cho được một cây gậy nạng, và xin “lên đường”.
* Kiểu sống Hướng Đạo, không chỉ là sống trẻ, mà còn là kiểu sống cầu tiến, muốn mỗi ngày thêm mới, ngày ngày thêm mới, nhớ câu lừng danh của một ông Tàu thời xưa cho khắc nơi bể tắm của mình “ Nhật nhật tân, hựu nhật tân, kỳ rửa cho sạch, ngày nầy qua ngày khác càng thêm sạch. Tiến bộ không phải là danh từ mới, chỉ có khi dùng theo nghĩa hẹp, với nghĩa tiến bộ vật chất, tiến bộ khoa học. Đi traị, nấu cơm bằng bếp ga, là tiến bộ, thổi cơm trong nồi đất chụm củi là lạc hậu, và từ tức là nầy đến tức là khác, ta sẽ có kết luận, là không phải Hướng Đạo nữa, đó là không giữ ngọn mà chỉ luyến tiếc những tro tàn, như có một ông chức sắc Hướng Đạo đã long trọng nhắc lại. Ôi, người bạn trẻ, anh cần phải nhiều đêm không ngủ để quét cho sạch những dơ bẩn vương vấn không phải thể xác của Thanh Thán, mà của trí óc bị váng nhện làm cho không còn thấy rỏ nét cái gì với cái gì. Sao không nghĩ thêm một chút về tiến bộ của kiến thức, của kỹ thuật (không nên lầm lẫn với sự thay đổi thứ hàng hóa tiêu thụ), tiến bộ trong việc giải phóng con người, khỏi những thành kiến (thành kiến của bộ lạc, của gia tộc, của xã hội), tiến bộ về mỹ cảm, về đạo lý, về tâm linh. Nói tóm lại tiến bộ trong việc xây dựng nhân vị đầy đủ.
* Phong trào Hướng Đạo thế kỷ XXI, có thể, sau bao nhiêu sai lầm đề cao, thứ Hướng Đạo cục bộ của phe nhóm, của vùng, của quốc gia, phải trở lại kiểu nguyên thủy, là Hướng Đạo thế giới, Hướng Đạo hoàn vũ. Ta về ta tắm ao ta... Phải rồi. Sau đó, tụm lại ngồi an thích sau lũy tre xanh, và gia đình vén rốn lên, để ca bài : Lỗ rốn chúng ta sâu một cách vĩ đại. Còn có gì liên quan với Tráng Sinh bỏ nhà, lên đường, sẳn sàng giúp bất cứ ai cần đến mình, sẳn sàng đón nhận kinh nghiệm của bất cứ ai, sẳn sàng chia sẽ với bất cứ ai, chẳng phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp, người Bắc hay người Nam, người Phật tử hay Kitô hữu, chia sẽ cơm bánh, hay thức ăn tinh thần, là chân lý và tình yêu.
* Ta có nói đến chữ “phong trào”. Thói quen khiến cho ta quên chữ nguyên thủy của “trào” là “triều”. Theo chữ Hán, phong là gió, triều là nước triều. Theo nghĩa bóng, nói về những công việc ồn ào như gió thổi, nước dâng lên, nước hạ xuống, sự lay chuyển chỉ có một thời. Thì phong trào cũng như mọi sự trên trần gian cũng đều theo biến dịch, theo chu kỳ thành, thịnh, suy, hủy. Nếu không cẩn thận, không khôn ngoan, thì một phong trào, bất luận phong trào nào cũng có thể nhanh chóng đi đến chỗ kết thúc. Người sáng lập rất lo xa, và trước khi chết đã để lại lời trối với các Tráng Sinh “Hỡi Tráng Sinh, ta để lại tương lai phong trào trong tay các anh em”. Nhưng Baden Powell còn một nhận xét khiến cho những người trong phong trào, nhất là các trưởng có trách nhiệm : “Ban đầu ta có một ý, sau đó chúng ta có một lý tưởng, tiếp đến chúng ta có một phong trào. Tôi e ngại phong trào ấy sẽ không còn khi nó chỉ là một tổ chức”. Vậy anh bạn trẻ muốn sống đời Tráng Sinh Hướng Đạo, hãy suy gẫm về những lời đó, cũng biết ước mong của người sáng lập không phải là hình thức bên ngoài, dù tốt đẹp đến đâu, mà là ý tưởng, là lý tưởng, là tinh thần giữ vững, chi phối, tăng giá trị cho mọi sự con người có thể thực hiện.
Chúc anh theo cố gắng theo đúng đường đi và gặt hái những kết quả tươi đẹp nhất.
Admin
Admin
Xóm trưởng

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 12/01/2008

http://DamSanGroup.forumotion.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết