DamSan Group
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất

Go down

Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất Empty Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất

Bài gửi  Admin Fri Jan 25, 2008 5:14 pm

Dù Bạn từ Thanh Đoàn chuyển lên hay vừa đến với Tráng Đoàn trong những ngày vừa qua, hẳn Bạn có nhiều mong đợi nơi sinh hoạt của Đoàn. Những mong đợi ấy có thể là có thêm bạn tốt, niềm vui, học hỏi về mọi lãnh vực và có nhiều cơ hội để phát triển tiềm năng của mình.
Ai cũng có nhu cầu được sống vui vẻ, có bạn bè tốt để thông cảm và tương trợ lẫn nhau, học hỏi thêm nhiều điều hữu ích và cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa qua sự giúp đỡ người khác trong phạm vi điều kiện của mình. Chắc chắn Bạn sẽ đạt được những ước mơ trên vì Tráng Đoàn là nơi gặp gỡ, tâm tình, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và góp phần giúp ích của những người thuộc lứa tuổi trưởng thành trong Phong Trào Hướng Đạo. Huân Tước Baden-Powell, người sáng lập Phong Trào Hướng Đạo, đã viết như sau trong tác phẩm căn bản cho ngành Tráng “Đường Thành Công” (Rovering to Success) ấn hành lần đầu vào năm 1922: “Các Tráng Sinh là một cộng đồng anh chị em sống gần thiên nhiên và giúp ích”.
Đối với một số bạn chưa từng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo ở lứa tuổi nhỏ hơn (Nhi, Ấu, Thiếu, Thanh), chắc chắn Bạn sẽ nêu câu hỏi: thế Hướng Đạo là gì?
Vậy trước khi đi sâu vào sinh hoạt ngành Tráng, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sơ lược về Phong Trào Hướng Đạo.
1. Hướng Đạo là gì?
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về Phong Trào Hướng Đạo. Đối với các em nhỏ tuổi từ 6 đến 11 (Nhi và Ấu sinh) thì Hướng Đạo là những trò chơi vui, tha hồ tưởng tượng, những câu chuyện rừng xanh đầy hấp dẫn, và những anh chị Trưởng dễ mến. Đối với những em thiếu niên từ 12 đến 14 tuổi (Thiếu sinh) thì Hướng Đạo cũng vẫn là những trò chơi vui, nhưng có lẫn thi đua, những học hỏi thích thú để thích ứng với mọi hoàn cảnh, những tình bạn sâu đậm. Đối với các em bắt đầu thành niên, tuổi từ 15 đến 17 (Thanh sinh) thì Hướng Đạo lại là những hoạt động mới lạ có pha lẫn mạo hiểm, những thử thách đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực vượt qua, những việc làm giúp ích người khác và cộng đồng, để thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. Còn đối với nhiều người khác thì Hướng Đạo là vui chơi, ca hát, cắm trại, ăn cơm nhà vác ngà voi…
Tất cả những cảm nghĩ trên về Hướng Đạo đều đúng ít nhiều, tuy không đầy đủ, vì thông thường mỗi người nhìn thấy sự vật tùy theo chỗ đứng của mình. Để có một cái nhìn tổng quát về Hướng Đạo, tưởng không gì bằng đọc qua những trả lời cho câu hỏi “Hướng Đạo là gì?” do Văn Phòng của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới tại Geneva (Thụy Sĩ) trên website http://www.scout.org như sau:
Hướng Đạo là…
+ sự giáo dục cho cuộc sống,
+ phong trào cho giới trẻ,
+ quốc tế, mở rộng cho tất cả mọi người,
+ cuộc vui chơi có mục đích,
+ sự thử thách cho những người trưởng thành,
+ tự nguyện,
+ không chính trị,
+ không thuộc về của chính quyền
Hướng Đạo là… một phương pháp,
Hướng Đạo là … một phương thức sống,
Những ghi nhận trên lần lượt được diễn giải với nhiều chi tiết, thí dụ như “sự giáo dục cho cuộc sống” đã được diễn giải thêm như sau: “Hướng Đạo bổ túc cho học đường và gia đình, đáp ứng những nhu cầu mà hai nguồn giáo dục nầy không mang đến. Hướng Đạo phát triển sự tự mở rộng kiến thức, nhu cầu tìm tòi, khám phá, muốn biết. Hướng Đạo khai mở thế giới bên ngoài lớp học, lãnh hội những kỹ năng mới từ những người nầy rồi chuyển những học hỏi đó sang cho những người khác”.
Và ghi nhận “phong trào cho giới trẻ” được diễn giải như sau: “Hướng Đạo là một phong trào luôn tiến tới, tạo nên sự tiến triển và sự thích nghi tại mọi nơi, tùy theo tình trạng tại chỗ, giúp ích tùy theo nhu cầu tại chỗ”.
Nếu chúng ta duyệt qua hết mọi diễn giải của tất cả ghi nhận trên thì quả là chúng ta có thể có một cái nhìn tổng quát về sự hữu ích thật phong phú và lớn lao của Hướng Đạo.
Từ ngày thành lập từ năm 1907 đến nay, người ta ước tính đã có hơn 300 triệu người thuộc nhiều thế hệ đã tham gia vào Phong trào Hướng Đạo và rất đông người đã thành công rực rỡ. Là một phong trào thanh niên lớn nhất trên thế giới hiện quy tụ khoảng 28 triệu đoàn sinh trên 216 quốc gia và lãnh thổ.
Admin
Admin
Xóm trưởng

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 12/01/2008

http://DamSanGroup.forumotion.com

Về Đầu Trang Go down

Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất Empty Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất (tiếp theo)

Bài gửi  Admin Fri Jan 25, 2008 5:21 pm

Tổ Chức Tráng Đoàn
Tuy Phong Trào Hướng Đạo được khởi đầu từ năm 1907 tại Anh quốc, nhưng mãi đến năm 1917, ngành Tráng mới được hình thành, thoạt tiên nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp tục sinh hoạt của các thiếu sinh đã lớn tuổi. Vào năm sau đó, năm 1918, danh xưng Tráng sinh (Rover Scouts) mới được chính thức ra đời. Tại Việt Nam, vào khoảng năm 1936 các Tráng đoàn đầu tiên bắt đầu xuất hiện: Lam Sơn (Hà Nội), Hồng Lĩnh (Vinh), Võ Tánh (Thanh Hoá).
Tráng Đoàn là nơi gặp gỡ, tâm tình, học hỏi và làm việc chung của các Tráng sinh. Ai cũng có nhu cầu có bạn bè, được thông cảm, được giúp đỡ những khi cần đến, giải trí và thấy mình hữu ích cho nhân quần xã hội… Tráng Đoàn nhằm đáp ứng các nhu cầu đó. Danh từ “Tráng sinh” gợi chúng ta nghĩ đến hình ảnh những “tráng sĩ Việt Nam” ngày xưa, những người sống một đời hướng thượng, oai hùng, thường làm việc nghĩa… Đó là hình ảnh của vị anh hùng Phạm Ngũ Lão, ngồi đan sọt mà mãi lo cho vận nước đến nỗi giáo đâm vào chân mà không hay; của Trần Bình Trọng, thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc; của bà Triệu Thị Trinh, muốn đạp đường sóng dữ để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối… Những hình ảnh đẹp đẽ đó dù không còn là mẫu người lý tưởng của thanh niên Việt Nam ngày nay, nhưng vô hình chung cũng đã góp phần điểm tô cho nhân dáng của người Tráng sinh Hướng Đạo. Đã có rất nhiều nỗ lực để đi tìm mẫu người tiêu biểu cho Tráng Sinh Việt Nam. Cuộc hội thảo toàn quốc của ngành Tráng HĐVN tại Đà Lạt vào năm 1969 đã bàn về đề tài nầy; nhưng chắc chắn, ngày nay hình ảnh ấy cũng phải đổi thay sau ngót 40 năm với nhiều biến đổi.
Nếu mục tiêu của Hướng Đạo là góp phần đào tạo những công dân tốt cho xã hội thì trong hiện tình đặc biệt của người Việt chúng ta, ắt hẳn HĐVN, như tinh thần của bản Hiến Chương đã thể hiện, sẽ nhằm góp phần đào tạo những người công dân tốt trong cuộc sống tại quốc gia định cư nhưng vẫn duy trì bản sắc dân tộc. Trong tiến trình giáo dục của Hướng Đạo, tuổi Tráng là tuổi thành nhân, là lứa tuổi kết trái sau những giai đoạn đơm hoa, nở nhụy của các lứa tuổi Nhi, Ấu, Thiếu và Thanh; ắt hẳn hình ảnh tiêu biểu của người Tráng sinh sẽ không gì khác hơn là mẫu người công dân tốt trong xã hội định cư và có tinh thần dân tộc.
Châm ngôn của ngành Tráng HĐVN là "Giúp Ích", cũng giống như châm ngôn của ngành Tráng nhiều hội Hướng Đạo quốc gia khác. Châm ngôn nầy nhắc Tráng sinh luôn nhớ đến nghĩa vụ giúp ích gia đình, cộng đồng, Phong Trào Hướng Đạo và thế giới, ngoài việc lo cho chính bản thân mình, để nhờ thế mà cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Tuổi của Tráng Sinh và Vị Trí của Tráng Đoàn
Tất cả các bạn thanh niên nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia Tráng đoàn. Tại một số quốc gia, tuổi tối thiểu của ngành Tráng bắt đầu từ 14 hay 15 tuổi. Chi tiết về tuổi của Tráng sinh tại các nước sẽ được trình bày trong chương “Ngành Tráng hiện nay tại các quốc gia”. Nếu Bạn ghi danh sinh hoạt Tráng với một Hội Hướng Đạo quốc gia có ngành Tráng thì quy định của Hội về ngành nầy cũng sẽ áp dụng cho Bạn, kể cả điều kiện về tuổi.
Toán
Là Tráng Sinh, Bạn sẽ ở vào một Toán. Toán là đơn vị căn bản của Tráng đoàn. Thông thường, Toán gồm năm bảy anh chị em hay liên lạc với nhau, có khi vì ở gần nhau, cùng làm một sở, cùng còn đi học hoặc cùng lứa tuổi. Điều quan trọng là anh chị em trong Toán quý mến nhau, cảm thấy thoải mái khi ngồi bàn bạc chung, thích thú khi làm việc chung. Nhân số trong Toán không nên đông quá, vì như thế, sự thân thiết sẽ khó có điều kiện phát triển.
Toán sẽ bầu ra một Toán trưởng trong nhiệm kỳ 6 tháng hay một năm và có thể được tái cử. Toán trưởng sẽ mời một Toán phó để phụ giúp và thay mặt mình, những khi cần thiết. Ngoài ra, trong Toán còn có những nhiệm vụ khác (thư ký, thủ quỹ, thủ cụ, thủ thư, quản ca…), tùy nhu cầu và sáng kiến của toán. Các Tráng sinh trong Toán nên luân phiên nhau đảm trách các nhiệm vụ trong Toán. Đó là một thể hiện của tinh thần dân chủ và cũng là cơ hội để trau giồi khả năng lãnh đạo, kỹ năng quản trị… Toán như một gia đình, cùng sinh hoạt, cùng vui, cùng làm.
Toán có thể nhóm họp hằng tuần hoặc mỗi hai tuần, tùy theo thời giờ của các Tráng sinh trong Toán. Đối với những Toán chỉ gồm các Tráng sinh còn đi học thì đến gần mùa thi có thể họp thưa dần, đợi đến sau mùa thi sẽ hoạt động thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Toán có thể họp trong nhà, hay cùng kéo nhau đi du ngoạn, đi xem hát… Không nhất thiết phải mặc đồng phục Hướng Đạo trong những sinh hoạt nầy. Để có thể duy trì được Toán, cần tạo bầu không khí thân tình, quý mến nhau, giúp đỡ nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng làm việc với nhau.
Toán cần đề ra chương trình sinh hoạt của Toán trong năm hoặc từng ba hay sáu tháng, phối hợp với chương trình chung của Tráng đoàn, Liên đoàn. Thí dụ: nhân dịp Tết Nguyên Đán, Liên đoàn có thực hiện một hoặc nhiều gian hàng tại hội chợ Tết, Toán có thể đảm trách một phần hoặc một gian hàng để gây quỹ chung hoặc gây quỹ cho Toán. Nhân dịp Tết Trung Thu, Toán có thể nhận hướng dẫn làm lồng đèn, phụ trách rước đèn… Vào những lúc không có sinh hoạt chung của Tráng đoàn hoặc Liên đoàn, Toán sẽ có những sinh hoạt của Toán nhằm giải trí, học hỏi, tương trợ, giúp ích…
Xưởng
Xưởng là nơi các Tráng sinh học hỏi và làm việc chung ở một mức độ chuyên môn cao hơn mà thường khi Toán không thể đáp ứng được vì nhân số của Toán có giới hạn. Mỗi Tráng sinh có những sở trường và sở thích khác nhau. Hơn nữa, mức độ tham dự của mọi người cũng khác nhau: có người mỗi tuần đều có thể dành thời giờ sinh hoạt HĐ, có người phải vài tuần mới có được một buổi, người khác lại rảnh rang theo mùa…. Xưởng quy tụ Tráng sinh từ các Toán khác nhau và có thể có các bạn chưa là Hướng Đạo Sinh, nhưng tất cả đều có cùng sở thích hoặc sở trường là hoạt động trong lãnh vực chuyên môn đó.
Trước khi thành lập Xưởng, các Trưởng trong Tráng đoàn nên cùng các Toán trưởng và đại diện các Xưởng đang hoạt động (Toán lãnh đạo Tráng đoàn) xem xét nhu cầu và ấn định mục tiêu căn cứ trên chương trình hoạt động trong năm. Tráng đoàn sẽ họp lại để thảo luận, đi đến quyết định chung và ghi tên tham gia vào Xưởng. Các thành viên trong Xưởng tự bầu Trưởng xưởng. Các phụ tá sẽ do Trưởng xưởng mời để phụ giúp mình. Có thể có thêm thư ký, thủ quỹ… nếu cần thiết, nhưng không nên quá rườm rà.
Dự Án
Khác với Xưởng là cơ cấu hoạt động lâu dài, Dự Án được thành hình với những mục tiêu rõ ràng và trong một thời gian giới hạn. Dự án không phải là một cơ cấu thường xuyên mà là một phương pháp làm việc, theo đó, một số công tác sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, theo một kế hoạch soạn trước nhằm đạt được một số kết quả định sẵn. Bởi vậy, có những Dự án của Toán, của Xưởng hoặc của toàn Tráng đoàn hoặc của cá nhân Tráng sinh. Để hiểu rõ hơn về Dự án, Bạn có thể đọc “Phương Pháp Dự Án” trong phần phụ lục ở cuối tập tài liệu nầy. Xưởng và Dự án đều nên mở rộng để mời thêm những người có kinh nghiệm hoặc quan tâm đến lãnh vực hoạt động liên hệ. Chắc chắn sự tham gia nầy sẽ giúp kết quả thêm mỹ mãn và góp phần phát triển Phong Trào.
Toán Lãnh Đạo
Toán lãnh đạo là bộ phận đầu não của Tráng đoàn và gồm có Tráng trưởng và Phó hay Phụ tá (nếu có), các Trưởng toán, Trưởng xưởng, Trưởng dự án, Thư ký, Thủ quỹ và Thủ cụ của Tráng đoàn. Đây là cơ quan nghiên cứu và phác họa những chương trình hoạt động chung, chấp hành những quyết định và công tác đã được Hội Đồng Tráng Đoàn biểu quyết. Toán lãnh đạo làm việc trong tinh thần dân chủ, tuy nhiên khi thảo luận về công tác nào thì ý kiến của người chịu trách nhiệm thực hiện công tác đó cần được toàn thể đặc biệt lưu ý. Biện pháp nầy nhằm tránh tình trạng đôi khi đa số không hiểu rõ vấn đề lại có những quyết định mà người trách nhiệm không thể thực hiện được.
Tráng trưởng đứng đầu Toán lãnh đạo Tráng đoàn. Tráng trưởng có vai trò rất quan trọng và thường là linh hồn của Tráng đoàn, là người chịu trách nhiệm chung cuộc về hoạt động của Tráng đoàn, tiêu chuẩn đầu tiên là sự quân bình, chín chắn và khả năng thân cận với tất cả. Tráng trưởng phải là người hiểu rõ nguyên lý và phương pháp HĐ nhờ đã hoàn tất các khóa huấn luyện cần thiết về phong trào Hướng Đạo cũng như về ngành Tráng, có cuộc sống ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu không, Tráng trưởng khó thể chu toàn trách vụ hướng dẫn Tráng sinh và Tráng đoàn, nhất là khi đơn vị hỗn hợp cả hai phái nam và nữ, có số lượng đông, hoặc gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Tráng trưởng không phải là người chỉ huy với quyền lực tuyệt đối. Ngành Tráng chính là môi trường tự do dân chủ trung thực. Mọi việc ở Tráng đoàn đều được thảo luận và quyết định ở Toán lãnh đạo và Hội Đồng Tráng Đoàn.
Hội Đồng Tráng Đoàn
Bao gồm toàn thể Tráng sinh, Hội Đồng Tráng Đoàn là cơ cấu tối cao của Tráng đoàn để thảo luận rồi biểu quyết các chương trình, kế hoạch và dự án chung. Mọi vấn đề liên quan đến tinh thần HĐ, kỷ luật nội bộ, lịch trình sinh hoạt, tài chánh… tức là sự sống của Tráng đoàn đều được Toán lãnh đạo đưa ra trước Hội Đồng Tráng Đoàn để tùy trường hợp, thông báo, thảo luận, lấy quyết định. Tuy nguyên tắc dân chủ là thiểu số phục tùng đa số, nhưng Hội Đồng Tráng Đoàn luôn luôn lấy sự đồng thuận làm mục tiêu và đề cao sự tìm kiếm những mẫu số chung để đạt được thỏa hiệp của tất cả trong những vấn đề phức tạp hoặc tế nhị. Để tôn trọng tinh thần dân chủ, tuy có thể phủ quyết tối hậu, Tráng Trưởng chỉ sử dụng thẩm quyền ấy trong các trường hợp có sự lệch lạc về tinh thần hay nguyên lý HĐ. Tráng trưởng chủ tọa Hội Đồng Tráng Đoàn. Hội đồng bầu nhân sự đảm nhiệm các trách vụ Thủ quỹ, Thủ cụ và Thư ký.
Lãnh Đạo Tinh Thần
Vai trò của Quý Vị Lãnh Đạo tinh thần rất thiết yếu, vì Phong Trào Hướng Đạo mong muốn HĐS làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, nhất là trong tình hình cuộc sống quá thiên về vật chất như trong hiện tại. Bởi vậy, Tráng Đoàn cần có Tuyên úy và Cố Vấn Giáo Hạnh. Những vị nầy tham dự các buổi họp của Toán lãnh đạo cũng như của Hội Đồng Tráng Đoàn với tư cách Cố vấn.
Admin
Admin
Xóm trưởng

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 12/01/2008

http://DamSanGroup.forumotion.com

Về Đầu Trang Go down

Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất Empty Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất (tiếp theo)

Bài gửi  Admin Fri Jan 25, 2008 5:27 pm

Phương Pháp Ngành Tráng
Nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục đã đề ra cho lứa tuổi trưởng thành, ngành Tráng áp dụng một số phương pháp chung của Phong Trào Hướng Đạo, và ngoài ra còn có thêm một vài phương pháp riêng của ngành. Những phương pháp chính yếu của Phong Trào có thể trình bày sơ lược như sau:
Luật và Lời Hứa HĐ: bao gồm những đức tính cần thiết của một người công dân tốt và hữu ích cho xã hội. Tất cả Hướng Đạo Sinh được nhắc nhở phải cố gắng áp dụng trong cuộc sống hằng ngày và xem đó như là tiêu biểu cho lối sống của người HĐ.
Học hỏi qua sự làm việc (learning by doing): Sinh hoạt Hướng Đạo phát triển con người về tinh thần, trí não, thể chất và xã hội không phải chỉ bằng lý thuyết suông mà nhằm tạo cơ hội để chính Hướng Đạo Sinh bắt tay vào việc rồi từ đó rút ra những bài học cho chính mình. Bằng cách nầy những điều thu lượm được sẽ rõ ràng và có thể giữ được dài lâu.
Sinh hoạt từng nhóm nhỏ: Mỗi Hướng Đạo Sinh tham gia vào một nhóm nhỏ (đàn, đội, tuần, toán) gồm năm bảy bạn cùng lứa tuổi. Nhóm có những sinh hoạt riêng trong khuôn khổ chương trình chung của đoàn. Trong nhóm, mỗi người luân phiên giữ các trách vụ khác nhau để giúp cho công việc chung của nhóm được tiến triển đều hòa. Phương pháp nầy nhằm phát triển tinh thần trách nhiệm, lòng tự tin, khả năng lãnh đạo… và còn được gọi là "phương pháp hàng đội".
Chương trình sinh hoạt sống động và gần thiên nhiên: Đặc điểm của sinh hoạt HĐ là vui tươi, hấp dẫn; nhờ thế HĐS luôn cảm thấy thú vị, nhất là những khi sống gần thiên nhiên (cắm trại, thám du, leo núi, bơi thuyền…). Nhờ vẻ đẹp và sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên, Hướng Đạo Sinh cảm thấy tâm hồn trở nên thanh thản, phóng khoáng… đồng thời phát triển được khả năng tháo vát, bớt lệ thuộc vào các tiện nghi.

Ngoài ra, ngành Tráng còn áp dụng hai phương pháp sau đây chỉ đặc biệt thích hợp với lứa tuổi trưởng thành: qui ước tu thân và phương pháp dự án.
Qui ước tu thân
Qui ước tu thân là những điều mà Tráng sinh tự đặt ra cho mình để cố gắng thực hiện nhằm giúp cá nhân mình đến gần Chân, Thiện, Mỹ hơn. Thí dụ như một Tráng sinh tự thấy mình hút thuốc lá hơi nhiều và trong thời gian qua sống không được điều độ. Nhằm sửa đổi những khuyết điểm trên, Tráng sinh tự hứa sẽ giảm thuốc lá (thí dụ: mỗi tuần chỉ được hút nửa bao thôi và sẽ cố gắng dứt hẳn trong tương lai gần, chẳng hạn) và ăn ngủ đúng giờ giấc trong ba tháng sắp tới. Những điều tự hứa nầy được ghi vào qui ước tu thân.
Trong qui ước tu thân, nên chọn những điều cụ thể, rõ ràng để dễ nhận xét kết quả. Tránh không nên ghi những điều quá trừu tượng, tổng quát hoặc xa vời. Thí dụ có thể chọn: không nói tiếng tục "XX" nữa, mỗi ngày tập thể dục 15 phút, không uống rượu trong một tháng, không mua sắm phung phí trong ba tháng sắp đến và để dành 200 đô la gửi giúp gia đình hoặc trẻ em tại trại tỵ nạn, cố gắng học cho xong hai môn còn lại trong bốn tháng tới…
Trước khi bắt đầu qui ước tu thân, Tráng sinh nên tìm một người anh (hoặc chị) tinh thần, một người mà mình tin cậy, thân thiết, kính trọng và bàn với người nầy về ý định của mình. Trong Phong Trào, người anh hay chị tinh thần nầy được gọi là Bảo huynh hay Bảo tỷ. Đó là những Trưởng hoặc Tráng sinh đứng tuổi, có cuộc sống ổn định, có kinh nghiệm và có thể chỉ dẫn cho Tráng sinh. Tráng Trưởng sẽ được Tráng sinh thông báo về dự tính của mình để Trưởng nầy cùng với Bảo Huynh hay Bảo Tỷ tìm cách giúp đỡ. Ai cũng cần được khích lệ khi mình làm điều hay và góp ý kiến một cách chân thành, hòa dịu khi mình muốn tự tu sửa. Khi sự thực hiện qui ước tu thân đã hoàn tất, Tráng sinh hãy báo cho Tráng trưởng biết kết quả cùng với những góp ý của Bảo huynh hoặc Bảo tỷ.
Qui ước tu thân có thể được đề ra bất cứ lúc nào thích hợp cho Tráng sinh và có thể thực hiện nhiều lần cách nhau một thời gian, sau khi đã nhận xét kết quả việc thực hiện qui ước tu thân lần trước. Tất cả Trưởng và Tráng sinh đều có thể áp dụng qui ước tu thân cho mình. Hoàn tất qui ước tu thân là một trong những điều kiện để Lên Đường và trở thành Tráng Sinh Lên Đường của HĐVN.
Phương pháp dự án
Trong lãnh vực quản trị hiện nay, phương pháp dự án được xem là căn bản để tiến hành công tác, là chìa khóa của sự thành công. sử dụng phương pháp nầy như là một trong những phương pháp chính yếu của ngành Tráng.

Sinh Hoạt Tráng
Yếu tính của sinh hoạt Tráng
Đến với Tráng đoàn, hẳn Bạn ước mong là sẽ được dự vào những hoạt động mới mẻ, vui tươi, hấp dẫn và hữu ích. Dĩ nhiên, ngành Tráng được lập ra là để tạo môi trường thuận tiện giúp Bạn và những anh chị em trưởng thành khác có thể cùng nhau đạt được những mong đợi đó; bởi vậy Tráng Đoàn cần có những sinh hoạt chung cho từng nhóm nhỏ (Toán, Xưởng) cũng như ở tầm mức quy mô hơn của toàn Tráng đoàn hay phối hợp với nhiều đoàn khác. Nhưng khác với sinh hoạt HĐ của các lứa tuổi nhỏ hơn (Nhi, Ấu, Thiếu và Thanh), sinh hoạt ngành Tráng dựa trên hai yếu tính mà nếu Bạn nhận ra được thì thời gian hoạt động trong Tráng đoàn của Bạn sẽ vô cùng thú vị và hữu ích. Hai yếu tính đó là: Tráng sinh vừa nhận vừa cho và Tráng sinh tự giáo dục mình.
- Nhận và cho: Đây là hai mặt không thể tách rời nhau của sinh hoạt ngành Tráng. Tráng sinh mong nhận được niềm vui, có thêm những bạn tốt, học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng mới từ Tráng đoàn. Nghĩa là Tráng sinh mong được đón nhận nhiều lợi ích do Tráng đoàn mang đến. Những lợi ích nầy sở dĩ có được, xét cho cùng, phần lớn là do từng người một trong Tráng đoàn đã đóng góp hoặc do Phong Trào Hướng Đạo mang lại. Ngược lại, các Tráng sinh khác cũng được thụ hưởng lợi ích từ của chung, trong đó có cả phần của Bạn. Không ai cứ tiếp tục nhận mãi mà không bao giờ đóng góp, dù là chỉ đóng góp trong phạm vi mà mình có thể có được, nhất là người đó đã ở tuổi trưởng thành. Chắc chắn Bạn cũng rất muốn san sẻ những gì Bạn có cho những Tráng sinh khác. Người càng có khả năng cho nhiều thì càng thấy đời sống mở rộng, phóng khoáng và càng được hưởng nhiều niềm vui. Mọi Tráng sinh đều nhận và đều cho trong sinh hoạt Tráng. Nếu một Tráng sinh hoàn toàn không nhận được gì từ sinh hoạt của Đoàn, dù đó chỉ là những niềm vui nhỏ hay một tình bạn thân thiết, thì chắc chắn sớm muộn gì Tráng đoàn cũng sẽ mất Tráng sinh đó.
Trên bình diện của Đoàn thì Tráng đoàn không thể cứ phục vụ, giúp ích mãi mà không dành thời giờ học hỏi, thu nhận vì Tráng đoàn không phải là hội từ thiện, hơn nữa nếu chỉ thuần phục vụ không thôi thì đến một lúc nào đó, Tráng đoàn chắc chắn sẽ khô cạn, mệt mỏi và rã rời. Sinh hoạt Tráng là sự dung hoà giữa học hỏi và phục vụ: trong công tác phục vụ, có dành thời giờ để học hỏi hầu những lần phục vụ về sau sẽ có hiệu năng cao hơn; áp dụng sự học hỏi vào công tác phục vụ hầu những điều học hỏi có giá trị thực tiễn.
- Tráng Sinh tự giáo dục mình: Là nơi gặp gỡ của các Tráng sinh thuộc nhiều lứa tuổi, từ nhiều thành phần khác nhau, Tráng đoàn là môi trường học hỏi vô cùng thuận lợi nếu bạn biết cách thu nhận. Bạn sẽ không nghe những câu mở đầu như: “…hôm nay, tôi sẽ dạy về…” hoặc “…các bạn phải học như thế nầy…” vì Tráng đoàn là một cộng đồng anh chị em của những người đã trưởng thành, mọi người xem nhau như anh chị em trong một đại gia đình, đại gia đình Hướng Đạo; do đó, bầu không khí thân hữu, nhẹ nhàng là điều cần có, lại nữa các Trưởng, tuy có kinh nghiệm và khả năng trong nhiều lãnh vực, nhưng không phải là thầy hay cô giáo đến Tráng đoàn để dạy học mà là những người cố vấn khi Bạn cần và các Tráng sinh khác chỉ là những người anh chị em, những bạn đường. Bởi vậy, Bạn hãy quan sát thật kỹ những điều hay và cả những điều dở của tất cả, Bạn sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị.
Ngành Tráng giới thiệu với Bạn các phương pháp của ngành. Mục tiêu của các phương pháp nầy là nhằm giúp Bạn thành công trong nỗ lực phát triển cá nhân mình (qui ước tu thân) cũng như đạt được hiệu năng cao trong công việc (phương pháp dự án); nhưng Tráng đoàn không buộc Bạn phải tu thân mà Bạn hãy tự nguyện làm điều đó, cho chính Bạn, vì Bạn là người đã trưởng thành. Có thể Bạn sẽ thỉnh thoảng nghe thấy một vài lời phàn nàn là “chẳng học hỏi từ Tráng đoàn được gì cả!” Thực ra, nếu nghĩ kỹ lại, Bạn sẽ thấy rằng Tráng đoàn tạo ra môi trường thuận tiện, đưa ra những dữ kiện, những vấn đề, y như người đầu bếp nấu sẵn các món ăn, còn có ăn được hay không thì tự mỗi người phải tự chọn lựa, chọn món mình thích rồi tự ăn. Không ai lại ăn giùm người khác. Mà nếu như vậy thì chẳng còn thú vị gì trong sự ăn cả!
Chương trình sinh hoạt
Tại sao lại cần có chương trình? Tại sao lại không để tùy hứng, đến đâu hay đó, có phải như vậy sẽ bất ngờ và thú vị hơn không?
Bạn sẽ thấy ngay là sự tùy hứng chỉ có thể tình cờ mang đến thú vị cho một người hay một vài người trong một vài lúc nào đó, chứ không thể thích hợp cho một Tráng đoàn với một số đông người được. Một chương trình sinh hoạt hữu hiệu rất cần thiết cho Tráng đoàn, vì nhờ đó, thời giờ, năng lực và mọi tài nguyên khác sẽ được sử dụng một cách hữu ích.
- Phân loại chương trình: Có thể phân thành 3 loại: dài hạn (1 năm hay hơn), trung hạn (3 đến 6 tháng) và ngắn hạn (từng tháng). Chương trình sinh hoạt cho năm sau cần được soạn thảo từ trước cuối năm nầy (chậm nhất là tháng 12) để kịp thời chuẩn bị trước và cũng có đủ thời gian cho toàn thể thu xếp các việc khác mà tham gia chương trình sinh hoạt của đoàn. Chương trình trong năm lại được chia thành nhiều chương trình trung hạn, căn cứ vào những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt chung (thời tiết, mùa thi, dịp nghỉ hè…). Sau cùng, những gì cần làm trong tháng (chương trình ngắn hạn) sẽ được thấy rõ ràng khi chương trình trung hạn được hoàn tất.
- Kỹ thuật lập chương trình: Toán lãnh đạo Tráng đoàn dự thảo chương trình sinh hoạt của Tráng đoàn sau khi thu nhận đề nghị của các Toán, Xưởng và Tráng Trưởng đã tham khảo chương trình của Liên đoàn hay Chi nhánh/Miền. Cần định rõ các mục tiêu nào mà Tráng đoàn muốn đạt được trong năm. Các mục tiêu đề ra cần đáp ứng nhu cầu của Tráng sinh và thực tế. Dự thảo được trình bày trong phiên họp của toàn thể Tráng đoàn để thảo luận và chung quyết. Kinh nghiệm cho thấy một vài sinh hoạt chung thường lệ của cộng đồng người Việt (hội Tết, Trung Thu…) có thời gian nhất định, ngoài ra cũng cần tham gia một vài sinh hoạt chung với Hướng Đạo sở tại hoặc do chánh quyền địa phương tổ chức, thời giờ còn lại là tùy nhu cầu và sáng kiến của Tráng đoàn.
Khi Tráng đoàn đã có chương trình, các Toán sẽ quyết định chương trình riêng của Toán. Chương trình của Toán và của Đoàn chẳng những không được mâu thuẫn với nhau mà phải nhằm bổ túc cho nhau để các Tráng sinh có đầy đủ môi trường học hỏi và phục vụ.
- Thực hiện chương trình: Chương trình đã quyết định, dù là của Đoàn hay của Toán, cần được chuẩn bị kỹ để sự thực hiện đạt được kết quả mong muốn. Những sinh hoạt của Đoàn nhưng do Xưởng hoặc Dự án đảm trách thì khi tiến hành, Trưởng Xưởng hoặc Trưởng Dự Án sẽ điều động Tráng đoàn (thí dụ: Xưởng thể thao có mục tắm biển cho toàn Tráng đoàn vào một ngày nắng ấm thì khi khi tắm biển, Trưởng xưởng thể thao sẽ chủ động; Dự án tổ chức chiến dịch vệ sinh cần đông đảo người vào ngày thực hiện thì khi bắt tay vào việc, Trưởng dự án sẽ điều khiển…).
Tất cả các hoạt động cùng thời gian và địa điểm cần được đúc kết thành “Lịch Sinh Hoạt” để Tráng sinh dễ theo dõi mà tham dự.
- Lượng giá chương trình: Để tạo cơ hội học hỏi cho Tráng sinh đồng thời giúp cho chương trình sắp tới được hữu hiệu hơn, cần lượng giá chương trình đã thực hiện. Sự lượng giá có thể tổ chức tại Toán, Xưởng, Dự án, Toán lãnh đạo hay toàn Tráng đoàn, tùy tầm quan trọng và tính cách thích nghi. Những tiêu chuẩn để lượng giá có thể là sự vui thích, những điều đã học hỏi, kết quả phục vụ đạt được cùng thành quả của những mục tiêu đã đề ra cho loại hoạt động đó… Cũng có thể sử dụng một số tiêu chuẩn nêu ra trong kỹ thuật lượng giá dự án.
Admin
Admin
Xóm trưởng

Tổng số bài gửi : 46
Join date : 12/01/2008

http://DamSanGroup.forumotion.com

Về Đầu Trang Go down

Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất Empty Re: Gửi bạn Tráng sinh - Nguyễn văn Thuất

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết